|
Tiếng chuông điện thoại reo liên tục, buộc ông Thụy phải bắt máy. Ông hỏi bằng giọng ngái ngủ:
- A lô... ai đấy. Có chuyện gì đấy..... Thôi được, tôi sẽ có mặt, nhưng chắc phải chín giờ... đang ngủ mà.
Đúng hẹn, ông Thụy có mặt tại quán cà phê. Ông thấy có cả chục người. Bạn quen cũng có, người lạ chưa gặp mặt bao giờ cũng có đến hai ba người. Bạn quen không nói làm gì, nhưng còn người lạ.... khiến bước chân ông hơi khựng lại. Nhưng đã lỡ bước vào quán, không lẽ bỏ đi liền, nên khi vừa ngồi xuống ghế, ông nói ngay:
- Xin lỗi... ngồi một chút, có việc phải đi.
Một ông bạn:
- Ngày cuối tuần mà... sao cũng vất vả quá thế.
Ông Thụy:
- Cuối tuần, cũng phải ăn. Có ai nghỉ ăn ngày lễ, ngày cuối tuần đâu. Lỡ hẹn với bả... đưa bả đi chợ...
lại còn đi chợ Đại Hàn mua ít trái cây. Ngày mốt là “ngày Mother’s day, ngày quan trọng của các bà, nhất là rất quan trọng với bà cọp vĩ đại của tui”, nên tụi nhỏ nó kéo về, thất hẹn với bả, chỉ từ chết tới bị thương. Mà, tui muốn được lành lặn, các ông ạ.
Mọi người bật cười. Ông Cẩn:
- Thôi được, thông cảm... thông cảm với những kẻ có hiếu với... vợ.
Ông Quyền:
- Thượng cấp khiếp thế đấy. Vậy mà... đố ai giám sống độc thân.
Lâm, người trẻ nhất trong bọn :
- Thì anh nào cũng bị... lừa... một lần. Chỉ một lần thôi cũng đủ “tan nát đời trai” rồi.
Ông Thụy:
- Đừng nói thế.... chẳng biết ai lừa ai. Theo tôi thì mọi người bị ảo giác, ảo ảnh lừa đấy các ông ạ.
Ông Quyền:
- Này ông bạn... chúng tôi, nhất là các ông bạn từ các tiểu bang xa về thăm Cali, muốn biết ý kiến của bạn về chuyện “người ta” đang kêu gọi quên hết chuyện cũ, để cùng nhau lo xây dựng đất nước ...
Ông Thụy ngắt lời:
- À, tưởng chuyện gì, chứ chuyện ấy tôi hoàn toàn đồng ý.... Hợp tác vô điều kiện...
Một người lạ:
- Đấy các ông đã thấy chưa... Mọi người đã hiểu ra... chứ đâu phải chỉ có mình tôi, chỉ có vài ba người... chỉ có thiểu số.... cuộc chiến chấm dứt đã gần nửa thế kỷ nay rồi... hận thù mãi... làm sao tiến bộ, làm sao xây dựng... đâu ngờ chỉ vì một số người thiển cận mà... mà... ta đã để lỡ biết bao cơ hội .... Mọi người nên nhớ là quốc tế... là cựu thù còn kính trọng chúng ta chứ có phải tầm thường đâu.
Ông Thụy cười khẩy, nhìn người vừa nói, đốp chát thẳng thừng:
- Ông bạn biết nhiều hiểu rộng nhỉ... lại còn thuộc bài như chính trị viên tốt nghiệp trường đảng thứ thiệt của nhà nước ta vậy... phục thật... phục thật.
Người lạ, biết ông Thụy chửi xỏ, nên hỏi ông bằng dọng lưỡi mỉa mai:
- Nếu thế... xin ông cho biết ý kiến của riêng..... ông.
Ông Thụy:
- Tui đang nói, tự dưng ông bạn cắt ngang, nên... giờ, xin phép cho tui nói rõ, nói hết ý mình.... thưa là thế này, tui ... và chắc chắn đa số bà con đều đồng ý quên chuyện cũ, quên chuyện tụi nó vơ vét... khi chính tụi nó xóa bỏ hết hận thù, từ bỏ mọi quyền lực, bỏ đảng... cùng mọi người chống bọn tàu phù. Các ông nghĩ lại xem trong khi bọn chúng muốn người miền Nam quên quá khứ, xóa bỏ hận thù, thì hàng năm bọn chúng vẫn tổ chức “kỷ niệm chiến thắng miền Nam”. Hừ, chiến thắng cái con mẹ chúng nó, nếu miền Nam không bị trói tay, nếu như không bị xắp xếp thì bọn chúng làm sao có thể sủa bậy là chúng chiến thắng được.... Mậu Thân đấy, trong khi miền Nam đón Tết, không mấy đề phòng, bọn chó điên bất ngờ cắn bậy, tưởng Làm nên “sự nghiệp”, đâu ngờ chết không kịp chôn.
Viễn:
- Nói như ông... cũng như không. Bộ không còn cách nào khác hay sao.
Ông Thụy:
- Không. Tụi nó lúc nào cũng gọi người miền Nam là ngụy, là tay sai đế quốc, lúc nào cũng thế lực thù địch, ăn không được, ỉa không xong, cũng do bọn phản động, do bọn người Việt hải ngoại phá hoại. Mõm thì sủa bậy, cắn càn, vậy mà chen chúc, dành nhau để được vào sống ở miền Nam. Bốn mươi năm qua rồi, sao bọn khốn nạn ấy không mở mắt học lấy một phần của người Đức khi bức tường ô nhục bị phá vỡ, mà chúng nó vẫn thế, không những không thay đổi, mà còn đối sử với người miền Nam tệ hơn trước. Người ở ngoài về cứu trợ, sửa sang nghĩa trang, giúp đỡ bà con, đồng đội cũ, mắc mớ gì chúng cũng cấm, cũng làm khó, làm dễ. Có mất của ông của cha chúng đâu. Bản chất hèn hạ, sợ bọn tàu phù như sợ thánh thần từ xưa, từ thời “thằng bác” của bọn nó đến giờ vẫn vậy.... Nó chỉ sợ thương binh miền Nam được giúp, trong khi mấy thằng què cụt của chúng không được chúng ngó ngàng đến, ngoài ít tiền lương hưu, còn tiền gọi là đãi ngộ, lâu lâu mới được một lần không đủ mua gói xôi, nên chúng nhột. Vậy mà cứ dài mõm ra đòi người khác quên hận thù, quên quá khứ.... có đứa còn lên dọng kêu gọi người Việt sống ở hải ngoại phải đùm bọc, giúp đỡ nhau, ai cho phép tụi nó nói lếu láo như thế, trong khi chúng thẳng tay đàn áp người trong nước chống đối bọn chúng khi thấy bị chúng đối xử chẳng ra gì. Đấy là tôi chưa nói đến chuyện chúng nó từng chửi người miền Nam là ma cô đĩ điếm, thế mà chỉ trong có hai mươi năm miền Nam phát triển bằng vạn lần, bằng triệu lần thiên đường của chúng. Nếu không phát triển, nếu như miền Nam cũng giống như thiên đường của bọn chúng, cái gì cũng tem phiếu, cũng phải xin, thì sau bảy lăm, làm gì có của cho chúng vơ vét... Đã có người từng nói bãi rác của miền Nam ngay sau bảy lăm đã nuôi được cả bọn đầu xỏ, bọn cán bộ của chúng nó cũng đâu có quá đáng. Thật đúng là “vào vất vả, vội vã vơ vét, vui vẻ về” hay “người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng”, đâu có sai.
Một người nói:
- Dù gì thì ông ta cũng là người hơn tuổi. Theo tôi cũng không nên dùng những lời khiếm nhã với ổng.
Ông Thụy đưa mắt nhìn người vừa nói, cười:
- Ai sao tôi không biết, với riêng tôi, tôi nghĩ không có cách nói, cách gọi nào dành cho hắn thích hợp hơn. Khi nó bán nước, nó có nghĩ đến người dân không. Còn nữa, một đứa táng tận lương tâm thản nhiên ngồi xem đàn em giết người đã nuôi chúng nó bao nhiêu năm. Khi làm cái trò cải cách ruộng đất, nó nỡ mang người ơn ra giết đầu tiên. Còn thằng thì đấu tố giết chết bố mẹ, thằng thì “hỡi ơi ông mất đất trời còn không”, thằng thì nói ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc. Ông có thấy “thằng tay sai đế quốc, thằng ngụy” nào khóc Kennedy như thế không. Hừ, đến cha mẹ nó, nó còn giết, thì nó thương ai. Vậy thì hà cớ gì phải nhã nhặn với bọn hắn. Vả lại, tôi là kẻ ít học, nên không theo kịp được các bậc thông thái biết nhiều hiểu rộng, bằng cấp đầy mình. Tôi không thể gọi thằng ăn cắp là ông là ngài, gọi con đĩ thập thành, con đĩ hạ cấp là bà, là phu nhân được... Và, các ông thử nghĩ kỹ lại xem, dưới khắp gầm trời này có đứa nào vô liêm xỉ đến độ ăn cắp tên, ăn cắp thơ văn, tư tưởng của người nhận là của mình không, lại còn tự viết sách ca tụng mình, tự thổi đít mình như hắn không. Nếu có mót đánh bóng mình thì xúi bậy một tên nào đó, chứ có lý đâu lại làm như hắn ta. Một đứa lừa bịp hạ cấp như thế, mà bảo tôi lịch sự thì... xin lỗi...hơn nữa tôi chỉ nói năng, hành xử theo lời dạy của tiền nhân là đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy ấy mà. Trước kia, vì không rõ bản mặt thật của hắn, nhất là do lòng yêu nước của mọi người, bị nó lừa, còn hiểu được, vậy mà bây giờ vẫn còn có kẻ ca tụng, vẫn còn có kẻ tin vào những lời huênh hoang khoe thành tích chống Pháp, chống Mỹ... Hừ, chúng đã khoe thành tích chống Pháp, chống Mỹ “ghê gớm” do chúng nhận vơ rồi... đến khi nào chúng “chống gậy đi ăn mày” nữa mới oai.... lũ đàn em lại còn mất dạy hơn, tuyên bố đi với Mỹ, thì mất đảng, chúng nó làm như đất nước Việt Nam là của riêng của chúng, nên thà mất nước còn hơn mất đảng... Bốn mươi năm ăn hại đái nát, ăn tục nói phét, vơ vét, cướp đất của dân nghèo làm của riêng, làm “tư bản đỏ” như thế mà vẫn chưa đủ hay sao. Mõm thì ca tụng tàu phù, ca tụng chủ nghĩa cộng sản, vậy mà có thấy đứa nào mua nhà, chuẩn bị chạy sang Quảng Đông, Phước Kiến đâu, mà chỉ toàn thấy mua nhà ở đất nước “thù địch” không thôi là sao.... Còn những đứa trước kia lợi dụng sự dễ dãi, tôn trọng tự do tư tưởng của chính quyền, của người dân miền Nam, biểu tình, chống đối, ca tụng cộng sản khơi khơi, sao bây giờ lại không chống lại, khi bọn đương quyền ngày một quá quắt, dơ bẩn, mà lại cúi đầu lặng thinh, cúi đầu không dám nho nhoe, nhúc nhích. Hay bọn chống đối chính quyền miền Nam, người dân miền Nam trước kia vẫn cho bọn đầu xỏ đương quyền trong nước, bán nước, tàn hại dân lành là đúng, là đáng noi gương, nên câm miệng tất cả thế.
Im lặng một lúc, thấy không ai nói gì, ông Thụy nói với mấy ông bạn thân:
- Các ông làm gì, suy nghĩ ra sao, tôi không có ý kiến, chỉ xin nhắc các ông là các ông đã từng là người lính, là người Miền Nam, từng bị tụi nó đầy đọa tù đầy, bị tụi nó coi tệ hơn súc vật, may mà không chết, may mà sống sót trở về, thì nên cẩn thận, và nên nhớ một điều là bọn cộng Việt chỉ tốt với chúng ta, với người không phải ở trong phe cánh với chúng nó khi chúng lâm vào đường cùng... không cần nói nhiều, chỉ cần nhìn lại một vài việc chúng đã làm, đã bịp bợm từ những năm 1945 đến giờ thì rõ.... mõm thằng chùm lưu manh vẫn hô hào toàn dân không làm việc, không đi lính cho Pháp, vậy mà nó rước Pháp vào... treo cờ treo quạt đón, sợ dân chửi nên phải vờ nói treo cờ để mừng sinh nhật nó... lại còn nỡ đẩy cả triệu người vào chỗ chết. Và, cứ cho là không phải do cường quốc xắp xếp trước, mà do chúng nó tài giỏi thực.... vậy mà bốn mươi năm rồi, chúng vẫn không thay đổi.... hay nói cho đúng hơn chúng chỉ thay đổi khi hít hà tiền của của người miền Nam... trong cũng như ngoài nước... còn ngoại giả vẫn như ngày chúng cong đuôi nhảy lên được bàn độc năm 1975. Ngày đó, vì chưa có internet, chưa có facebook nên chúng mới hô hoán là chúng đại thắng... bây giờ khác rồi... nhất là cường quốc đã xong phần việc họ mong muốn, họ đã bạch hoá mọi chuyện rồi.
Ông Thụy dứt lời, đẩy ghế đứng lên:
- Thôi, tôi phải đi đây, xin chào tất cả.
Sau lần gặp mặt hôm ấy, bẵng đi một thời gian khá lâu, cũng đến tám chín năm gì đó, ông Thụy không còn nhớ đến buổi họp mặt ở quán cà phê gần nhà mình nữa, thì tình cờ ông gặp lại Viễn, người hăng hái tán thành hòa hợp, hòa giải nhất. Ông Thụy đã gặp Viễn trong một hoàn cảnh bất ngờ, lạ lùng.... Lần đó, mấy đứa con ông tổ chức đi du lịch Cancun, vì vợ chồng ông không thích ở nơi ồn ào, nên bọn chúng chiều theo ý bố mẹ tìm đến một Resort cách xa trung tâm Cancun cả giờ lái xe, đường đi như ở vùng ngoại ô, và gần như hoàn toàn yên tĩnh. Tuy Resort xa như vậy, mà vẫn đông du khách cư ngụ.
Đến Resort đã hai ngày, nhưng biển động, cờ đỏ cắm dọc bãi biển báo cho du khách biết không thể xuống tắm, nhất là mấy hôm liền sứa biển tràn vào rất nhiều. Mấy đứa con, nhất là mấy đứa cháu ông buồn ra mặt, dù chúng vẫn có thể bơi ở phía trong, phần biển nhân tạo. Mặc dù biển nhân tạo, nhưng Resort vẫn có hệ thống đưa nước từ ngoài biển vào, rất an toàn.
Người con ông Thụy nói với ông:
- Tụi con định trưa nay ăn trưa ở ngoài này, con sẽ bảo họ mang nước và trái cây cho bố liền... còn bữa trưa, bố muốn ăn gì, con sẽ dặn họ.
Ông Thụy:
- Bữa trưa cho bố Pizza và chai bia là đủ.
- Vâng. À, mẹ muốn chơi với tụi nhỏ... bà nội sợ... tụi con mải đạp xe, bỏ tụi nhỏ không người trông chừng, bố ngồi một mình, đừng buồn nghe bố.
Đối với ông Thụy không được xuống chơi đùa dưới biển, không mấy quan trọng, không mấy cần thiết. Ông chỉ cần nơi vắng vẻ, thoải mái để có thể nằm đọc sách báo hay ngủ lơ mơ, giữa trời nước bao la là được rồi. Ông Thụy rất hài lòng nơi đứa con Út lựa cho ông, nhất là dãy lều nơi ông ngồi được dựng bằng lá dừa khô, hình thù giống như những cây rơm nơi miền quê cũ. Nhưng giờ phút nghỉ ngơi theo ý thích của ông cũng không được trọn vẹn, vì đang nằm lơ mơ sau chiếc mũ rộng vành che kín mặt, ông chợt nghe có tiếng người nói bên cạnh, đúng hơn, người đó nói với ông. Ông Thụy lười biếng cử động thân mình, thì tiếng nói lại vang lên, giọng thanh thoát, chứ không phải thứ tiếng Anh nặng nề, do mấy người lo việc vặt cho khách nói mà ông vẫn thường nghe. Ông Thụy nhanh nhẹn nhỏm dạy. Người đang đứng trước mặt ông, một tay bê chiếc hộp, một tay cầm hai ba chai bia Corona loại nhỏ, ông biết đó là phần ăn trưa của ông. Ông Thụy định nói lời cám ơn, chợt khựng lại, người đối diện cũng tỏ vẻ lúng túng. Ông Thụy hỏi:
- Viễn... Viễn phải không.
- Tôi... tôi... đấy... ông ạ. Lâu rồi mà ông vẫn còn nhớ tôi à. Cũng đến gần chục năm rồi còn gì.
Ông Thụy lắp bắp:
- Làm sao... làm sao lại ở đây... làm sao... làm sao đến nỗi này.... Làm sao hả.
Viễn vừa đặt mấy thứ lên mặt chiếc bàn nhỏ bên cạnh ông Thụy, vừa cười gượng:
- Thì... ông thấy rồi đấy... tôi.... tôi... chuyện dài lắm ông ơi. Chuyện dài.
Trả lời ông Thụy xong, Viễn lặng thinh. Ông Thụy nhỏ giọng:
- Nếu không muốn thì... thì thôi. Tôi xin lỗn... đã....
Viễn:
- Mất hết... mất hết rồi.
Đoán chắc Viễn có điều khó nói, ông Thụy lặng thinh, vờ quay ra mở hộp đồ ăn, mở bia. Ông Thụy đưa chai bia cho Viễn, nhưng ông ta không nhận, và chợt bước nhanh. Ông Thụy nhìn theo, thì ra Viễn bước đến gặp Maxwell, người trưởng toán. Không rõ Viễn nói gì, chỉ thấy Maxwell bước lại, nhìn ông dơ ngón cái, rồi quầy quả bỏ đi. Chỉ một lúc sau, Maxwell trở lại xách theo một giỏ đầy bia, đoạn vỗ vỗ vào vai Viễn. Đợi Maxwell đi khỏi, ông Thụy mới hỏi Viễn:
- Bộ được nghỉ hả.
Viễn:
- Nghỉ hay làm không sao.... vì tôi đâu phải là nhân viên... chính thức đâu.
Viễn nói rồi, dường như nhận thấy ông Thụy không hiểu rõ điều mình nói, nên giải thích:
- Tôi được Maxwell thông cảm, thương hại, nên cho làm nhưng không phải nhân viên chính thức. Khi có người cần gì, cần món ăn chẳng hạn, sẽ có người nhận, và anh ta cho tôi giao hàng, giao đồ ăn cho khách, nếu có tiền típ khách cho, tôi được hưởng, chứ không được ăn lương.
Ông Thụy hỏi cho có chuyện:
- Thế có phải chia cho ai không.
- Không bắt buộc, nhưng tự tôi biết phải quấy với họ, tùy theo đông khách hay không, một vài ngày tôi đưa cho Maxwell từ mười đến mười lăm phần trăm. Maxwell chia đều cho những người làm chung.
Ông Thụy:
- Thế cũng được.
Viễn thở dài:
- Nếu như tôi đừng tham... nếu tôi sáng suốt một chút, đừng quá ham kiếm tiền thì đâu đến nỗi khốn nạn như ngày nay. Nhờ người em nhà tôi ở trong không quân, giúp di tản, nên gia đình tôi rời quê nhà từ giữa tháng tư 1975, và được vào Mỹ rất sớm. Lúc đó người mình ở Mỹ đâu đã có bao nhiêu. May mắn qua sớm, lẽ ra tôi lo học hành để có thể làm việc, có thể hành nghề cũ, nhưng phần muốn có tiền ngay, muốn kiếm tiền dễ dàng, chứ không muốn trở lại trường, nên tôi quyết định mở quán ăn.... Hàng quán của người mình còn ít nên sống được, một thời gian sau, tôi để quán ăn cho bả trông nom, tôi theo nghề mua bán nhà cửa, nhờ thế càng phất lên. Cứ kiếm nhà cũ, sửa sang sơn phết lại, bán. Ông biết rồi đấy, người mình luôn quan niệm phải an cư mới lạc nghiệp, nên tôi tha hồ bỏ túi.... Chỉ mười năm sau, nhất là sau khi các con tôi đã tốt nghiệp, đã có gia đình, cơ ngơi, tự chúng nó tự đứng được, vợ chồng tôi không còn phải lo chuyện cơm áo, nên tôi bàn với bả, bán lại quán ăn... để hưởng nhàn, bà bùi tai nghe theo.
Viễn đang kể, tự dưng ngừng bặt. Có vẻ không muốn nói tiếp. Ông Thụy, hỏi:
- Như vậy... như vậy...
Viễn:
- Nếu chỉ có thế, nếu biết đủ, biết dừng lại, thì mọi chuyện quá đẹp. Trong khi tôi biết khuyên nhà tôi nghỉ hưởng nhàn, thì tôi lại vẫn cứ lao vào kiếm tiền. Tôi nghĩ ở đây bà con bắt đầu đông. Nhiều người cũng đã bắt đầu nhảy vào kinh doanh nhà đất, nhất là thị trường nhà đất bắt đầu chậm lại, tôi nghĩ đến thị trường trong nước, chắc chắn còn mới. Một vài ông bạn ở lại, một sớm một chiều trở thành đại gia, nên tôi quyết định về. Nhưng, tôi bị vợ con phản đối. Dù vậy tôi vẫn không nghe. Tôi tìm cách về thăm dò xem sao. Lần tôi và mấy người gặp ông ở quán cà phê, là tôi gom hết tiền bạc để về đấy. Những ngày đầu, tôi được đón tiếp rất ân cần, bạn thân cũng như sơ, họ đối với tôi thân thiết, cởi mở như người thân mới đi xa về. Tôi tưởng đâu mình sẽ vớ bẫm. Trong những bức thư gửi cho vợ con, tôi hết lời ca tụng những điều tôi thấy. Rồi qua một vài giới thiệu, tôi quen được với những tay gộc đang nắm những chức vụ quan trọng, qua chuyện trò, tiếp xúc, tôi thấy họ cũng rất được, và tất cả đã... đánh tan... mọi nghi ngờ còn lại trong tôi. Tôi cười thầm những điều lo ngại lúc đầu. Và, tôi tin rằng mọi lo ngại đều là đồn thổi của những người ở xa, thế là tôi quyết định những điều đã dự tính. Phải công tâm mà nói, cũng có một vài ông bạn cũ, lưu ý tôi nên hết sức cẩn thận, nhất là không nên tung nhiều tiền ra mua hay đầu tư vào những dự án lớn. Họ cho biết cứ áp dụng lời người xưa dạy “năng nhặt, chặt bị,” chứ đừng khiến “bọn chúng” tối mắt vì mồi lớn mà rồi hối không kịp.
Bề ngoài tôi giả vờ lắng nghe những khuyến cáo, nhắc nhở của họ, nhưng thực tâm tôi cười thầm, vì nghĩ có thể vì không vốn nhiều, nên họ nói vậy cho đỡ bẽ mặt. Và, tôi luôn tâm niệm muốn “ trên cơ”, thì mình phải mạnh vốn, miễn là mình hết sức cẩn thận... làm cho mau, rút cho nhanh, thì cho dù họ có muốn “giật” cũng không thể làm được. Vả lại, cũng còn luật sư, những người trẻ từng tốt nghiệp ở Úc, ở Pháp về. Tôi đã tham khảo những nghi ngờ, họ đã cố vấn cho tôi những điều hữu lý. Tôi lại càng tin tưởng là mình tính đúng, khi hốt được một vài “dịch vụ nhà đất”nhỏ một cách ngon lành, chứng tỏ “họ” cũng đàng hoàng, cũng tôn trọng luật chơi. Thế là tôi đặt hoàn toàn tin tưởng vào những tính toán của mình. Nhưng tôi vẫn thủ thân, không lao vào ăn chơi hưởng thụ, để khỏi bị gài bẫy. Rồi một hôm tôi được “phía đối tác” giới thiệu với tôi một nhân vật “tầm cỡ” hiện đang giữ một chức vụ lớn ở Sàigon, hơn nữa hắn ta lại còn là nhân vật hạng gộc ở trung ương đảng. Bề ngoài tay đó đến với tôi, chỉ với ý thăm dò đường đi nước bước, và tìm hiểu về một vài trường đại học ở Mỹ. Hắn ta cho biết có ý định lo cho con du học Mỹ, thế thôi. Ngoài ra tuyệt đối hắn không một lời đá động đến công việc làm ăn.
Ông Thụy xen lời:
- Cáo nhỉ, hắn ta biết tính đấy chứ.
Viễn cười đau khổ, nói:
- Mọi người đều bảo tụi nón cối ngu dốt. Đúng. Nhưng theo tôi, chúng chỉ ngu dốt về học hành thôi, chứ ngón nghề làm ăn lừa đảo, thì chúng số một đấy, ông ạ.... Rồi tôi được môi giới mua một miếng đất, người môi giới cho biết, nếu xong suôi, miếng đất có thể bán nhanh, mà không sợ đọng vốn. Hắn ta còn ngỏ ý cho biết có thể nhờ vả, lợi dụng tay gộc được, vì tay đó sẵn sàng giúp để đổi lại, tôi sẽ giúp con tay gộc khi thằng nhỏ qua bển du học. Tôi nghĩ, có qua có lại cũng hợp lý. Thế là tung gần hết vốn mua. Giấy tờ vừa xong, thì tôi bị “mời làm việc” vì đã cùng bọn biến chất mua phần đất đã được quy hoạch để xây nhà máy.... “nguyên tử” ... phục vụ cho sản xuất. Tay luật sư cũng chịu thua. Tôi bị đưa ra xét xử với thời gian kỷ lục, vì tụi nó nói phải thu hồi đất thật nhanh để không bị trở ngại trong phát triển với nước viện trợ. Tôi bị năm năm. Những tên bên “đối tác” làm ăn vì là đảng viên cộm, nên tòa cho đưa về “xử lý nội bộ”.
Ông Thụy cười:
- Tụi nó mà “xử lý nội bộ” là kể như rồi.
- Ông nói đúng, nghĩa là đứa bị tội, sẽ chẳng có tội gì. Chỉ cần nhận khuyết điểm, thế là xong. Khi tôi còn đang nằm tù, mảnh đất đó được chúng mang bán cho doanh nhân ngoại. Không những chúng bán được với giá gấp năm lần khi tôi mua. Đã thế, chúng lại không phải bỏ vốn, vì vốn đã cướp được của tôi rồi.
- Làm sao ông biết rõ như vậy.
- Người luật sư. Tay này còn trẻ, du học ở Pháp về. Nên rất hiểu đời và mang hoài bão thay đổi, nên không bị lôi cuốn vào những trò ma mãnh. Khi biết bị thất bại trong việc bào chữa cho tôi, anh ta rất buồn. Thời gian tôi bị giam, thỉnh thoảng anh ta có vào thăm. Và, không dấu tôi một điều gì.... Ngoài người luật sư, còn thằng con Út của tôi, một vài tháng nó vào thăm tôi một lần.
- Ủa. Sao cháu nó lại đến thăm bạn được. Bộ nó về bển ở, hay từ Mỹ qua à.
Viễn:
- Nó ở trong toán thiện nguyện về làm công tác y tế ở bển... Nó là bác sĩ.
- À, tôi hiểu.
Viễn:
- Trong mấy đứa con, thằng đó được nhất. Nó không bao giờ cằn nhằn về việc làm của tôi. Con vợ nó cũng thế.
Ông Thụy:
- Con không nói làm gì, còn tay luật sư, hiếm có người được như thế. Nhưng làm sao sửa chữa, cải tạo được bọn khốn đó... Không chừng lại còn bị bọn chúng đốt mất tiêu.
Viễn:
- Ông nói đúng.... vì bẵng đi một thời gian, không thấy bóng dáng anh ta đâu, thì ra anh ta đã phải “bỏ của chạy lấy người” cả nửa năm rồi. Người phụ tá của anh ta vào thăm tôi, cho biết, tôi được “giảm án”, thay vì bị tù năm năm, nhưng mới có ba năm, tụi nó thả tôi và buộc tôi phải trở về Mỹ ngay khi ra khỏi tù. Thế là từ nhà tù, tôi bị áp giải ra thẳng phi trường.
- Tai qua nạn khỏi rồi... sao... sao lại ở đây.
Viễn thở dài, dọng như muốn khóc:
- Mất hết tiền bạc, của cải, nhưng không đau bằng chuyện vợ con không thèm đoái hoài tới.
Ông Thụy:
- Xin lỗi. Tôi thật tệ...
- Đâu có sao, tại lâu không gặp nên ông không hay biết... đấy thôi.
Ngừng một chút, nén thổn thức, Viễn tiếp:
- Khi nhìn rõ sự việc, tôi quyết định bỏ Cali, đi xa, để khỏi phải gặp ai.... lúc sắp đi, thì vợ chồng thằng Út đến thăm. Tụi nó đem trả tôi chiếc xe và cho biết, anh em nó đã để lại trong Bank cho tôi ít tiền... dù không muốn, nhưng rồi tôi cũng đành nhận. Sau khi bán một vài vật dụng có giá cùng chiếc xe, tôi tìm đường đến đây.
Ông Thụy:
- Đất Mỹ thiếu gì nơi, cần gì phải lặn lội qua đến tận bên này.
Viễn:
- Tôi muốn xóa sạch dấu vết cũ, nhất là với bạn bè, người quen. Hơn nữa, chọn nơi này, vì yên tĩnh, phong cảnh khí hậu dễ chịu. Ở nơi mới này, không ai biết tôi là ai... khỏi bị nhức đầu. À.... tôi xin ông khi về bển, đừng nhắc lại với bất cứ ai là đã gặp tôi ở đây.
Ông Thụy:
- Tôi hứa... nhưng còn thằng con Út.
Viễn ngập ngừng:
- Tôi... tôi trốn vợ chồng nó luôn, ông ạ.
Ông Thụy định nói gì đó, nhưng lại thôi, chỉ nhắc lại câu “tôi hứa, tôi hứa với bạn”.
Sau lời hứa của ông Thụy, hai người đã giữ im lặng, và đã uống với nhau mỗi người đến ba bốn chai Corona. Hình như Maxwell có vẻ vẫn kín đáo theo dõi ông Thụy và Viễn nên lại lẳng lặng mang thêm bia đến cho hai người. Viễn không nói gì mà chỉ khẽ nắm tay Maxwell lắc nhè nhẹ.
Chợt Viễn lại tâm sự:
- Sau khi biết trừ vợ chồng thằng Út, bà vợ và mấy đứa con lớn không còn muốn gặp mình. Tôi quyết định bỏ đi xa, thật xa là thế. Tình cờ tôi được biết thường có những chuyến xe chở hàng từ California sang đây, tôi đã căn những chuyến xe đó, và đã được một người tài xế tốt bụng giúp đỡ. Dĩ nhiên cũng phải chi.
- Bộ không có giấy tờ gì sao.
- Mọi thứ vẫn còn nguyên, từ bằng lái xe, passeport. Nhưng tôi nghĩ nếu cứ đi theo lối thường, sẽ hao tốn nhiều, nhất là sẽ không dễ dàng có được nơi cư trú, nương tựa ở bên này. Và, tôi đã tính đúng. Vì qua người tài xế xe vận tải, tôi có việc làm, có nơi cư trú. Nói đúng ra, thời gian đầu cũng trần ai khoai củ, cũng trật vật lắm, kiếm đâu cũng không ra việc, vì mình là người lạ, cũng bị e ngại. Sau nhờ người tài xế xe tải, nói với Maxwell, tôi mới được nhận vào đây, với việc làm không lương như ông đã biết. Phải nói Maxwell cũng rất tốt, hắn ta nói với mấy người làm tại các quầy thức ăn dành cho khách du lịch, để tôi được ăn uống miễn phí như phần ăn dành cho du khách. Lúc đầu tôi cũng ngại, vì như thế là vi phạm luật lệ của Resort, có khi lại sinh chuyện. Biết tôi ngại, Maxwell dẫn tôi đến gặp người trưởng toán một quầy hàng ăn, thế là tôi yên tâm. Rồi ngày qua ngày, mọi người nhận thấy tôi đàng hoàng, không quản ngại công việc, không cần nhờ, tôi cũng lao vào làm, phần để đỡ buồn, phần muốn gây cảm tình, để tính chuyện lâu dài, nên họ cũng để yên. Và, điều đáng quý ở những người quen mới, là không bao giờ họ thắc mắc về tôi. Thấy tôi cứ ăn ở vạ vật mãi, một hôm người tài xế xe tải, trong một lần nghỉ, đã dẫn tôi về nhà một người em bà con đã góa chồng nói với tôi, nếu tôi muốn, có thể đến ở tại nhà cô ta, mà không cần phải lo mọi thứ, mọi khoản chi. Hoặc có thể nhận phụ giúp cô ta trông coi cửa hàng, những lúc tôi được nghỉ ở Resort. Cuối cùng, tôi nhận giúp trông coi cửa hàng, cắt cỏ, dọn dẹp nhà cửa để có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng....
Ông Thụy cười, nói rỡn cho Viễn bớt căng thẳng:
- Thôi, đất lành chim đậu.... làm ông chủ cửa hàng cho rồi.
Viễn ngậm ngùi:
- Xin chào thua... tôi cố giữ cho mình đàng hoàng, chứ “Cô nam, quả nữ” ở gần cũng ngại lắm.
Gia đình ông Thụy nghỉ ở Cancun, mới đấy mà đã sắp hết mười ngày. Viễn cũng buồn ra mặt, bịn rịn như sắp phải xa bà con, họ hàng thân thích.
Viễn nói:
- Chỉ còn ngày mai. Trưa mốt tôi lại lủi thủi một mình. Buồn quá.
Nghe Viễn nói, ông Thụy cũng chỉ biết lặng thinh, vì ông cũng không biết nói gì với Viễn nữa. Không rõ hai người im lặng bao lâu, chợt cùng giật mình khi nghe thấy tiếng gọi thảng thốt của ai đó. Cả hai ngơ ngác, cố lắng nghe. Và rồi ông Thụy chợt nhận thấy vẻ mặt hốt hoảng của Viễn. Tiếng gọi lại cất lên. Lần này ngoài tiếng người lớn, còn có tiếng của trẻ nít. Tiếng gọi dù lẫn với gió biển, nhưng mỗi lúc một rõ, mỗi lúc một gần. Và rồi có lúc ông Thụy thấy Viễn đang ngồi, như muốn vùng chạy. Ngoái đầu lại đằng sau, ông Thụy nhìn thấy cả chục người đang lố nhố theo triền cát, chạy lại phía mình và Viễn ngồi.
Nhóm người đã đến gần, có tiếng mấy đứa nhỏ:
- Ông nội....
- Ngoại ơi... con nhớ ngoại quá trời.
Lúc đầu ông Thụy cứ nghĩ tụi nó là mấy đứa nhỏ nhà ông. Nhưng rồi ông biết là không phải. Bởi ông bà chỉ có cháu nội mà thôi. Mấy lần Viễn định bỏ đi, nhưng rồi lại ngồi lại chịu trận. Sau cùng, ông Thụy quyết định để Viễn ở lại với mọi người. Để anh ta không bị lâm vào cảnh khó xử.
Rồi ông Thụy cũng không còn để tâm đến câu chuyện của Viễn nữa, thì một lần, cũng tại quán cà phê ông Thụy hay đến uống, chợt ông Quyền hỏi:
- Ông còn nhớ Viễn không.
Ông Thụy:
- Nhớ... độ này Viễn ra sao rồi, bộ ông mới gặp hả, gia đình vợ con ông ta bình yên chứ.
Ông Quyền:
- Viễn đã chuyển qua Texas cả mấy năm nay rồi. Tôi mới gặp Viễn cách nay hơn tháng khi vợ chồng tôi qua bên ấy chơi.
Ông Thụy:
- Hắn khá không.
Ông Quyền:
- Chí thú làm ăn.
Ông Thụy cười:
- Như vậy tốt rồi. Sóng gió ba đào đã qua, mừng cho Viễn. Mà hắn làm gì.
- Chủ một garage sửa xe lớn, rất đông khách.
Rồi không đợi ông Thụy hỏi, ông Quyền kể tiếp:
- Vợ chồng tôi qua chơi bển, tình cờ đi ngang qua tiệm sửa xe của Viễn, thấy tôi, hắn mừng lắm, một hai lấy xe qua khách sạn gom đồ, bắt tụi tôi về ở nhà hắn. Từ chối không được, thế là được ăn ở free.
- Cũng tốt thôi.
- Hắn bây giờ đổi khác nhiều... nói chuyện thấy khác hẳn không như hồi đó. Hắn có hỏi thăm ông, và kể hết mọi chuyện, nhất là chuyện hắn “lưu vong” đến Cancun.
- Đúng là “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, một tay luôn có tham vọng trở thành nhà giàu, thật giàu, giờ lại chí thú với công việc “nhặt bạc” hàng ngày.
- Không nhặt bạc đâu ông ạ. Phải nói hắn hốt bạc mới đúng.... Không những hốt âm thầm mà còn được “bảo vệ tới bến”, chứ không sợ bị cướp giật như ở nơi “thiên đường” đâu.
Ông Thụy hỏi với vẻ ngạc nhiên thật sự:
- Hốt bạc cơ à, tôi tưởng ....
Ông Quyền:
- Tiệm sửa xe chỉ là nơi để kiếm tiền chợ. Hắn mua lại của một người bà con đứa con dâu lớn bán cho vì chủ cũ bị phá sản do cờ bạc, nợ nần quá mạng. Bán rồi, người chủ được vợ chồng Viễn giữ lại cho điều hành tiệm. Còn vợ chồng Viễn chuyên mua bán xe cũ, nhất là xe “cổ xưa”, sửa chữa sơn phết lại, bán. Ông biết rồi đấy xe “cổ” nhiều chiếc đấu giá được, cũng vài chục, có khi vài ba trăm ngàn, và khi bán cũng bán được giá “khủng”. Vì thế mỗi khi bán được một xe, trừ chi phí, cũng hốt được vào năm ba chục ngàn có khi cả trâm ngàn, thậm chí nếu gặp hên trúng xe thuộc hạng đời xửa đời xưa có thể kiếm cả nửa triệu là chuyện thường. Và, ông còn lạ gì “người giàu bên này”, rất ham chuộng xe hiếm, xe cổ.... có xe được mua với giá cả mười mấy triệu lận.
Ông Quyền tự dưng thấy ông Thụy cười lớn, hỏi:
- Bộ ông tưởng tôi nói xạo đấy hả.
Ông Thụy:
- Không... không, tôi biết mà... tôi cười vì... buồn cho... thân phận con người.
Ông Quyền ngạc nhiên thực sự:
- Cái gì, thân phận con người thì dính líu gì tới... tới xe cổ.
Ông Thụy:
- Sao không, ông thử nghĩ kỹ xem tất cả mọi thứ cổ, từ nhà cổ, cây cổ, xe cổ, đồng hồ cổ, thậm chí đến cái chén mẻ, nếu có từ lâu đều bán được giá. Chỉ duy có “người cổ” là không bán được một xu teng nào. Hừ, thượng đế chả bất công là gì. Nếu “người cổ” cũng bán được, mình có chút đỉnh giúp con, giúp cháu cũng đỡ đấy chứ.
Ông già Quyền cười nghiêng ngả khi nghe ông Thụy than thở như vậy. Ông nói:
- Nói như ông bạn theo tôi là không đúng... vì nếu “người cổ” mà cũng bán được, chỗ đâu mà... chứa.
Như thế phải nói là thượng đế sáng suốt, rất sáng suốt là đằng khác đấy chứ.
Ông Quyền dứt lời, hai ông già lại cùng cất tiếng cười vang. Ông Quyền:
- Cũng sắp tới giờ ăn trưa rồi, mình rời “bến cũ người xưa” này kiếm nơi cụng ly đi, tôi mời. Bà nhà tôi được mấy bà bạn rủ đi chùa, tôi không đi, được bả ấy “dúi” cho ít tiền, phải tìm cách tiêu, chứ không thôi, để tiền lâu ngày, nó bị “thiu” thì uổng.
Ông Thụy:
- Khai thật đi... không tiêu ngay, bị lột lại hay sao mà quýnh lên thế.
Ông Quyền trả lời bạn với vẻ hãnh diện:
- Không. Bà nhà tôi “văn minh tân tiến” lắm. Tiền đã “xuất kho” rồi, bả không bao giờ thu lại nữa ông ạ.
Ông Thụy:
- Nếu thế thì đi, tui hỏi kỹ không thôi ăn rồi bị nghẹn vì bị trì chiết thì chết.
- Yên tâm đi ông, có gì ai làm nấy chịu, không để ông bị vạ lây đâu.
|
|